Thở phào “vượt vũ môn”

Admin

Administrator
Thành viên BQT
Tham gia ngày
12/5/09
Bài viết
1,163
Reaction score
2
Điểm
38
Với tâm lý tập trung cho các môn thi Đại học là chính, nhiều thí sinh đã bị “tủ đè” vì học lệch, học tủ các môn tốt nghiệp. Tuy vậy, đa phần thí sinh đều vui ra mặt vì cuối cùng cũng bước qua một trong những kỳ thi quan trọng của cuộc đời. Nhiều thí sinh bị “tủ đè” vì học lệch
Tại hội đồng thi Trường THPT Phú Xuyên A (thị trấn Phú Xuyên, Hà Nội), buổi sáng thi môn Văn ngày 2/6, thí sinh Nguyễn Lương Hiền bước ra cổng trường khá sớm. Bà mẹ chạy lại hỏi han con làm bài thế nào, Hiền chỉ buông 1 câu: “Có ngồi thêm cũng chả nặn ra được chữ nào, mấy thầy giám thị lại giám sát nghiêm lắm, về thôi”. Hiền phân trần: “Em cũng tủ một số tác phẩm cho mình mà không trúng, xui quá”.
Thí sinh Nguyễn Đức Chính, tại hội đồng thi Trường THPT Lê Quý Đôn lại bị tắc ở câu thứ hai của đề thi môn Văn khi hỏi về lợi ích của việc đọc sách. Hóa ra, theo ông Nguyễn Đức Nghiêm, bố của Chính thì con ông chỉ giỏi chơi… half-life, nhảy auditon, chứ chả mấy khi nó đụng tới sách.

“Nó cầm cuốn sách dày 100 trang là cứ như cực hình rồi, học với chả hành”, ông Nghiêm phân bua với một phụ huynh. Và dường như chưa thỏa giận, ông dọa sẽ cắt net, cắt tiền tài trợ nếu như Chính không thi đậu tốt nghiệp lần này. Cũng như ông Chính, ông Lê Văn Hoàng, ở Thái Hà, Hà Nội cũng than thở: “Cái câu 2 này đến… tôi cũng làm được, vậy mà thằng con tôi lại không. Tôi cho nó đi học thêm, học kèm đủ cả, vậy mà có cái câu dễ như thế cũng không làm được”.
Thế nhưng, trước lời than phiền của bố, cu cậu Lê Văn Dũng vẫn khăng khăng bảo môn Văn với em không quan trọng, vì thi đại học sắp tới em thi khối A. “Chỉ cần Văn được 3, 4 điểm để tổng điểm trung bình của con đủ đậu tốt nghiệp là được. Bố khỏi lo đi, môn Toán, Vật lý sắp tới con lấy lại “phong độ” ngay.
Nếu như các thí sinh thi khối A xem thường các môn Văn, Sử, Địa thì thi sinh khối C cũng có cách nhìn lệch không kém. Tại điểm thi THCS Đống Đa (Hà Nội) sáng 3/6, thí sinh Nguyễn Thị Vân Anh vừa cười vừa khoe với mẹ mình: “Tệ lắm cũng được 5 điểm mẹ ạ, thế là may lắm rồi. Cầu mong cho mấy môn khó nhằn như Toán, Lý chỉ cần được 5 điểm thôi”.
Vân Anh đăng ký thi vào ngành báo chí Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn nên suốt từ học kỳ 2 đến giờ em chỉ tập trung cho 3 môn chính khối C. “Toán thì phụ thôi, vì có điểm cao cũng chẳng để làm gì, chiều nay gắng thêm môn Ngoại ngữ nữa là em vứt hết sách vở để cày mấy môn thi đại học”, Vân Anh khẳng định.
Cũng tư duy học lệch làm chính, thí sinh Nguyễn Vân Hà cho biết do chương trình cuối cấp quá nặng, kỳ thi đại học sắp tới lại đầy cam go nên em và nhiều bạn trong lớp đều phái bỏ môn này, tập trung môn kia. “Mình mà ôm đồm hết tất cả các môn thì chuyện đậu tốt nghiệp là dễ mà rớt đại học lại càng… dễ hơn”, Hà khẳng định.
Trao đổi với Dân trí về kỳ thi tốt nghiệp, cô Hương Lan, giáo viên Trường THPT Chu Văn An nhận định, thi tốt nghiệp không được thí sinh xem trọng vì mục tiêu của phụ huynh cũng như học sinh vẫn chính là làm thế nào để vào được đại học hơn việc có bằng tú tài loại ưu. “Ngay cả giáo viên dạy học sinh cuối cấp vẫn có tâm lý hướng các em vào các môn chính, các môn phụ thì bàng quan, xem nhẹ. Bao giờ còn tổ chức thi tốt nghiệp riêng, thi đại học riêng thì học tủ, học lệch vẫn còn phổ biến”, cô Lan nói.
Tờ rơi, đáp án vẫn đầy trường thi
Quan sát tại nhiều điểm thi ở Hà Nội, PV Dân trí chứng kiến có một đội ngũ hùng hậu chuyên phát tờ rơi và bán đáp án. Tại điểm thi Phú Xuyên A, các thí sinh vừa bước ra cổng trường đã được hai đôi nam nữ chặn ngay trước cổng phát tờ rơi giới thiệu về các ngành nghề trung cấp: “Trường ưu tiên tuyển cho những thí sinh đăng ký sớm, chỉ cần học xong chương trình lớp 12, không cần bằng tốt nghiệp”, anh chàng áo đen vừa luôn tay phát tờ rơi vừa liến thoắng.

2a0phat-to-roi.jpg

Đội ngũ phát tờ rơi, bán đáp án quây kín các điểm thi
Tuy nhiên, nhiều thí sinh cầm tờ rơi đọc thoáng qua một chút thì vò lại và xả luôn ngay trước cổng trường khiến cho những người làm vệ sinh thêm phần mệt nhọc khi thu dọn đống “chiến trường” trước điểm thi này. Bác Nguyễn Tấn, phụ huynh thí sinh bực bội bảo: “Mình không nhận chúng nó vẫn dúi vào người, thi cử chưa biết kết quả thế nào chúng đã mời học trung cấp nghề, có xúi quẩy không”.
Cũng sau khi các môn thi vừa kết thúc, trước giờ thi môn tiếp theo, một đội ngũ học sinh, sinh viên làm nghề bán đáp án cũng tỏa đi khắp các trường. Các đáp án được sao chép lại trên mạng và bán với giá 2.000 - 5.000 đồng/đáp án, nhưng người mua nhiều nhất là các phụ huynh. “Mua về cho tối con nó xem lại, hi vọng là nó làm được bài, 3 ngày đưa con đi thi bọn tôi sốt ruột, lo lắng quá chừng”, một phu huynh than thở.
Kết thúc môn thi cuối cùng chiều nay, đa phần thí sinh đều mừng rỡ khi 6 môn thi căng thẳng trong 3 ngày qua đã hoàn tất. “Nhìn chung đề thi tốt nghiệp các môn năm nay tương đối dễ thở, chỉ cần chăm chỉ, chịu khó trau dồi lại bài vở là các bạn có thể vượt qua. Mục tiêu của bọn em vẫn là kỳ thi đại học trước mắt”, Lương Văn Quyết, thí sinh Trường THPT Chu Văn An khẳng định.
Sông Lam
 
Similar threads
Thread starter Tiêu đề Diễn đàn Trả lời Date
Admin Địa lý – môn thi khá "dễ thở" trong ngày thi thứ 2 Tin Giáo Dục 0

Similar threads

Latest resources

Top